Danh mục bài viết

Hỗ trợ trực tuyến

Tin tức

Liên kết web

Thống kê truy cập

  • Hôm nay:

    69
  • Ngày hôm qua:

    208
  • Tuần hiện tại:

    964
  • Tháng hiện tại:

    3854
  • Lượt truy cập:

    838125

Quảng cáo

Thuốc mới

Tiện ích

Chóng mặt

  1. Nguyên nhân :

Nguyên nhân bệnh Huyễn vựng chia làm mấy loại như sau:
 Can dương thượng cang: Do can dương thịnh bốc lên bên trên gây nên huyễn vựng, hoặc do tình chí không thư thái, uất ức lâu
ngày khiến can âm bị hao tổn, can dương bị khuấy động bốc lên gây nên huyễn vựng; Có khi thận âm hư tổn không dưỡng được can
mộc dẫn đến can âm thiếu, can dương bốc lên gây nên huyễn vựng.
 Đờm trọc trung trở: Do ăn nhiều các thứ bổ béo làm cho tỳ vị bị tổn thương, chức năng vận hóa bị rối loạn, thức ăn uống không
hóa thành tân dịch mà biến thành đờm thấp, đờm thấp ứ trệ khiến thanh dương không thăng, trọc âm không giáng, gây nên chứng
huyễn vựng.
 Thận tinh bất túc: Do từ bẩm sinh thận đã bị bất túc hoặc do lao động nặng nhọc, phòng dục quá mức khiến cho thận tinh bị tiêu
hao, tinh tủy không đủ, không nuôi dưỡng được cho não, mà theo YHCT não là bể của tủy, cũng gây nên chứng huyễn vựng.
 Khí huyết đều hư: Do bệnh lâu không khỏi, khí huyết hao tổn, hoặc sau khi mất máu, bệnh chưa phục hồi, hoặc tỳ vị hư nhược
không vận hóa thức ăn được để sinh ra khí huyết dẫn đến khí huyết đều hư, khí hư thì dương yếu, huyết hư thì não không được
nuôi dưỡng đều gây nên huyễn vựng.

    2.   Điều trị :

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
 Can Dương Thượng Cang: Chóng mặt, ù tai, đầu có lúc đau căng, khi tức giận thì đau tăng, ngủ ít, hay mơ, hay tức giận,
miệng đắng, lưỡi đỏ, mạch Huyền.
BIỆN CHỨNG: Do can dương bốc nóng lên gây nên chóng mặt, ù tai, đau đầu; Dương bốc lên gây nên mặt đỏ, hay tức giận, ít ngủ,
mơ màng, miệng đắng, lưỡi đỏ; mạch Huyền là biểu tượng của dương cang.
ĐIỀU TRỊ: Bình can, tiềm dương, thanh hỏa, tức phong. Dùng bài Thiên Ma Câu Đằng Ẩm Gia Giảm (Tạp Bệnh Chứng Trị Tân
Nghĩa): Thiên ma 8g, Câu đằng 12g, Sơn chi 12g, Thạch quyết minh (sống) 20g, Đỗ trọng 10g, Tang ký sinh 12g, Ngưu tất 12g,
Ích mẫu thảo 12g, Hoàng cầm 10g, Dạ giao đằng 10g, Phục thần 12g. Thêm Bạch thược, Trân châu mẫu. Sắc uống.
(Trong bài dùng Thiên ma, Câu đằng, Thạch quyết minh để bình Can, tiềm dương; Hoàng cầm, Chi tử để thanh Can hỏa; Tang ký
sinh để bổ Can Thận; Dạ giao đằng, Bạch linh để dưỡng tâm, an thần; Thêm Bạch thược, Trân châu mẫu để hỗ trợ tác dụng bình
Can, tiềm dương).
Nếu lưỡi đỏ, mạch Huyền là can dương thịnh: thêm Sinh địa, Nữ trinh để dưỡng can âm. Nếu ban đầu miệng đắng, mắt đỏ, lưỡi
đỏ, mạch Huyền, Sác, thêm Long đởm, Hạ khô thảo, Đơn bì để thanh can, tiết nhiệt. Bệnh nặng, buồn nôn, chân tay tê cứng run
rẩy thêm Quy bản, Mẫu lệ, Từ Thạch để tiềm dương, tức phong. Khi bệnh đã trở lại bình thường, nên thường xuyên uống bài
Câu Kỷ Địa Hoàng Hoàn để bổ Thận, dưỡng Can, duy trì kết quả lâu dài.

 Đờm Trọc Trung Trở: Chóng mặt và nặng đầu, bụng đầy, buồn nôn, ăn ít, ngủ li bì, lưỡi trắng, mạch Nhu, Hoạt.
BIỆN CHỨNG: Đờm trọc bốc lên đa số là dương đưa lên gây nên chóng mặt. Vị khí ở trung tiêu không giáng, khí cơ không lợi vì vậy
hông bị đầy, bụng đầy, buồn nôn, ăn ít, mệt mỏi, ngủ nhiều, lưỡi nhợt, mạch Nhu Hoạt, đều do đởm trọc ủng trệ, thanh dương
không thanh.
ĐIỀU TRỊ: Táo thấp, tiêu đờm, kiện Tỳ, hòa Vị. Dùng bài Bán Hạ Bạch Truật Thiên Ma Thang (Y Học Tâm Ngộ): Bán hạ 8g, Bạch
truật 12g, Cam thảo 4g, Phục linh 12g, Thiên ma 8g, Trần bì 8g. Sắc uống.
(Bán hạ, Trần bì, Bạch linh, Cam thảo để hóa thấp, trừ đờm; Bạch truật để kiện Tỳ; Thiên ma để trừ huyễn vựng, hông sườn đầy,
bụng trướng).
Ăn ít thêm Bạch đậu khấu để hóa trọc, khai Vị. Tai ù thêm Thạch xương bồ, Thông bạch để thông dương, khai khiếu. Nếu đầu
nặng, mắt đau, buồn phiền, hoảng hốt, miệng đắng, nước tiểu vàng là đờm trọc hóa hỏa, nên dùng bài Hoàng Liên Ôn Đởm Thang
gia giảm.

 Thận Tinh Bất Túc: Váng đầu, mệt mỏi, hay quên, lưng đau, gối mỏi, tai ù, mất ngủ, di tinh, chân tay lạnh, lưỡi nhạt, mạch
Trầm Tế.
Nếu thiên về âm hư thì lòng bàn tay, bàn chân nóng, lưỡi đỏ, mạch Tế, Sác.
Nếu thiên về dương hư thì chân tay lạnh, lưỡi bệu, mạch Trầm Tế.
BIỆN CHỨNG: Thận là nơi tàng tinh và tủy, nay thận suy không cung cấp lên não gây nên chóng mặt, choáng váng, hay quên; Thận
chủ cốt, lưng là phủ của Thận, Thận hư nên thấy buồn mỏi, Thận quan không vững nên có di tinh, Thận khai khiếu ra tai, Thận
hư nên tai ù, trong tai kêu.

Nếu thiên về dương hư: Dương hư sinh hàn nên chân, tay lạnh, lưỡi nhợt, mạch Trầm Tế.
Nếu thiên về âm hư: Âm hư sinh nội nhiệt, vì vậy, lòng bàn chân không ấm, lưỡi đỏ, mạch Tế, Sác.
ĐIỀU TRỊ:
Thiên về dương hư thì bổ thận, trợ dương.
Thiên về âm hư thì bổ thận, tư âm.
Dùng bài Hữu Quy Hoàn (Cảnh Nhạc Toàn Thư): Thục địa 160g, Sơn dược 80g, Sơn thù 40g, Câu kỷ tử 80g, Đỗ trọng 80g, Đương
quy 80g, Thỏ ty tử 80g, Phụ tử 20g, Nhục quế 20g, Lộc giác giao 80g. Tán bột, làm hoàn. Ngày uống 16–20g.
Tri Bá Địa Hoàng Hoàn (Tiểu Nhi Dược Chứng Trực Quyết): Đơn bì 120g, Hoàng bá 80g, Phục linh 120g, Tri mẫu 80g, Thục địa
320g, Trạch tả 120g, Sơn thù 160g, Sơn dược 160g. Tán bột, làm hoàn. Ngày uống 12–16g.
Nếu chóng mặt nhiều, đầu nặng: thêm Long cốt, Mẫu lệ, Thạch quyết minh để tiềm dương.


 Khí Huyết Đều Hư: Chóng mặt, hoa mắt, sắc mặt nhợt, môi nhạt, móng tay móng chân nhạt, hồi hộp, mất ngủ, mệt mỏi, biếng
nói, biếng ăn, lưỡi nhợt, mạch Tế Nhược.
BIỆN CHỨNG: Do khí huyết thiếu, não không được nuôi dưỡng nên gây chóng mặt, nặng thì ngã quay. Huyết hư không lưu thông
được toàn thân nên sắc mặt và người nhợt nhạt, huyết thiếu không đủ dưỡng Tâm gây nên hồi hộp, hoảng hốt, ít ngủ, Tỳ Vị thu
nạp và vận hóa thất thường nên ăn kém; Mạch Tế Nhược là biểu hiện của khí huyết suy kém.
ĐIỀU TRỊ: Bồi dưỡng khí huyết, kiện vận Tỳ Vị. Dùng bài Quy Tỳ Thang gia giảm (Tế Sinh Phương): Bạch linh 8g, Hoàng kỳ 10g,
Nhân sâm 10g, Bạch truật 10g, Hổ phách 4g, Thần sa 4g, Cam thảo 2g, Long nhãn 10g, Toan táo nhân 4g, Đương quy 4g, Mộc
hương 2g, Viễn chí 4g. Sắc uống.
(Trong bài Quy Tỳ có bài Tứ Quân Tử Thang (Sâm Linh Truật Thảo) để bổ khí, kiện tỳ; bài Đương Quy Bổ Huyết Thang (Đương
quy, Hoàng kỳ) để bổ khí huyết; Long nhãn, Táo nhân, Viễn chí để dưỡng tâm, an thần; Mộc hương lý khí, ôn tỳ; Sinh khương, Đại
táo điều hòa doanh vệ).
Nếu thiên về hư hàn, chân tay lạnh, tiêu lỏng: Thêm Nhục quế, Can khương để ôn trung, trợ dương. Nếu mất máu nhiều, khí
theo huyết thoát, chân tay lạnh, đổ mồ hôi, mạch Vi, Nhược, nhanh, phải hồi dương cứu thoát, dùng bài Sâm Phụ Long Lệ Thang
gia vị.


TÓM LẠI: Nguyên nhân của chứng chóng mặt là do phong, hỏa, đờm và hư. Có khi xuất hiện đơn độc, có khi xuất hiện hỗn hợp. Khi gặp
bệnh, nên xem xét kỹ để có phương pháp điều trị cho thích hợp.
Bệnh cấp, nhiễm khuẩn thuộc thực chứng, cần thanh hỏa, hóa đờm, bình can, tiềm dương, tức phong.
Bệnh hoãn, lâu ngày, thường thuộc hư, cần phối hợp với bổ dưỡng khí huyết, bổ ích can thận, kiện tỳ và kèm theo những vị tức phong,
hóa đờm, chọn phương pháp thích hợp để điều trị. Sau khi chứng bệnh giảm, nên điều trị theo gốc.

CHÂM CỨU TRỊ CHÓNG MẶT
 Theo Châm Cứu Học Thượng Hải: Huyệt chính: Ế phong, Nội quan, Phong trì, Thái xung, Thính cung.
Kích thích mạnh vừa, vê kim liên tục 10–30 phút. Mỗi ngày châm 1 lần; 5–7 ngày là 1 liệu trình.

 

Đờm thấp ngăn trở trung tiêu: Thêm Túc tam lý, Trung quản.
Thận suy, phong dương bốc lên: Thêm Thái khê + An miên.
(Phong trì + Thái xung để thanh tức phong dương; Ế phong, Thính cung để sơ điều kinh khí ở tai; Nội quan để điều hòa vị, cầm
nôn; Túc tam lý + Trung quản để kiện vận tỳ vị, khứ đờm trọc; Thái khê để bổ thận; An miên để an thần).
 Theo Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học:
Thực chứng: Bình Can, tiềm dương, hòa Vị, hóa đờm. Châm tả Trung quản, Âm lăng tuyền, Hành gian, Thủy tuyền, Ấn đường.
(Hành gian bình Can gián nghịch, Thủy tuyền tư âm tiềm dương, Ấn đường làm nhẹ đầu sáng mắt, làm cho hết chóng mặt. Trung
quản hòa trung, cầm nôn; Âm lăng tuyền kiện Tỳ hóa thấp, làm cho thấp bị trừ đi thì đờm sẽ tự hóa, không có đờm thì không còn
bị chóng mặt).
Hông sườn đầy trướng, thêm Dương lăng tuyền. Đầu nặng thêm Đầu duy.
Hư Chứng: Bồi bổ khí huyết. Châm bổ Bá hội, Phong trì, Cách du, Thận du, Túc tam lý.
(Bá hội thăng thanh dương; Phong trì tức nội phong; Cách du, Thận du bổ huyết sinh tinh; Tỳ du, Túc tam lý bổ trung ích khí.
Làm cho nguyên khí, tinh huyết mạnh lên thì tủy hải được nuôi dưỡng tốt sẽ hết chóng mặt).

NHĨ CHÂM:
Thận, Thần môn, Chẩm, Nội nhĩ, Bì chất hạ. Mỗi lần chọn 2–3 huyệt. Kích thích vừa. Lưu kim 20–30 phút. Ngày châm một lần. 5–7
ngày là một liệu trình (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

ĐẦU CHÂM:
Dùng huyệt cả hai bên: Vựng Thính Khu. Ngày châm một lần. 5–10 lần là một liệu trình (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

THỦY CHÂM:
Dùng huyệt Hợp cốc, Thái xung, Ế minh, Nội quan, Phong trì, Tứ độc. Mỗi lần chọn 2–3 huyệt. Mỗi lần dùng glucose 5% hoặc 10%,
dùng 3–5 ml hoặc sinh tố B12 dùng 0,5ml. Cách ngày chích một lần. 5–7 ngày là một liệu trình (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

3.Tham Khảo :

 Dùng kim dài 4 thốn châm Thượng tinh xuyên đến Bá Hội, Từ Bá hội xuyên đến phía sau chẩm, có cảm giác căng tức đầu là được.
Châm thẳng huyệt Á môn, sâu 0,5–1 thốn, có cảm giác lan xuống dưới chỗ châm khoảng 4 thốn, vùng khuỷu tay thấy tê là được.
Châm An miên 4, có cảm giác hơi nóng ở vùng da phía trên và dưới chỗ châm 4 thốn lan đến huyệt Túc tam lý là được. Mỗi ngày
châm một lần, 6–7 ngày là một liệu trình, nghỉ 2–3 ngày lại tiếp tục. Trị 1–3 liệu trình khỏi hẳn (hơn 5 năm chưa tái phát) là 21 ca,
đạt 10,5%, hiệu quả ít (trên 3 năm bị tái phát) 11 ca (5,5%), có hiệu quả (hết chóng mặt) 149 ca (74,5%), không hiệu quả 19 ca
(9,5%) (Châm Thích Trị Liệu 200 Liệt Lâm Sàng Quan Sát - Trung Quốc Châm Cứu 1988, 8 (6).
Trị 200 ca, trong đó, hội chứng Menière 113 ca, ngộ độc thuốc 33, thần kinh tiền đình viêm 13, chóng mặt loại lành tính ở vùng đầu
2 ca, không rõ nguyên nhân 39 ca.
 Dùng Đầu Châm trị 202 ca chóng mặt.
Can Dương Thượng Cang: Châm Huyễn Thính Khu (hai bên), cứu cách Gừng Bá hội 3–6 tráng.
Khí Huyết Đều Suy: Châm Huyễn Thính Khu (hai bên), Châm Túc tam lý, châm xong rồi cứu cách muối 3–6 tráng. Tim hồi hộp, ít
ngủ thêm cứu huyệt Bá Hội 3–6 tráng.
Thận tinh bất túc: Châm Huyễn Vựng Khu (hai bên). Dương hư cứu Ngải huyệt Quan nguyên. Âm hư cứu huyệt Thận du, đều cứu
cách muối 3-6 tráng.
Đờm trọc trung trở: Châm Huyễn Vựng Khu (2 bên). Châm Trung quản, cứu Ấn đường 3-6 tráng, đều lưu kim 30 phút. 1-2 tuần
là một liệu trình. Kết quả: Trị khỏi 178 (đạt 88,2%), hiệu quả ít 11 (5,4%), có chuyển biến 12 (5,9%), không hiệu quả 1 (0,5%). Tổng
số đạt 99,5%. Trung bình trị 22 ngày Mã Bồi Nhiên, Đầu Bì Châm Trị Liệu Nội Nhĩ Huyễn Vựng Bệnh 202 Liệt, Trung Quốc Hương Tài Y
Sinh 1990 (9): 33).
 Cứu huyệt Bá Hội phối hợp với dán thuốc ở tai trị 132 ca Chóng mặt: Cứu cách Gừng huyệt Bá hội 10 tráng, ngày một lần. Phối hợp
dùng Vương bất lưu hành, tán nhuyễn, dán vào huyệt Tâm, Thần môn, Can, Thận, Nội tiết tố, Hạng, Chẩm. Mỗi lần chọn 4–5
huyệt. Cứ khoảng 4 giờ lại dùng tay day khoảng 1 phút. Mỗi ngày một lần. 5 ngày là một liệu trình. Trị hai liệu trình. Kết quả: Kết
quả ít 87, có kết quả 37, không kết quả 8. Tổng số đạt 94% Trần Toàn, Cứu Bá Hội Phối Hợp Nhĩ Áp Pháp Liệu Trị Cao Huyết Áp
132 ca, Trung Quốc Châm Cứu 1991, 11 (1): 6.

BÀI TẬP
Mục tiêu đầu tiên là xóa sự tăng hoạt lực của tiền đình bằng cách khuyên bệnh nhân nằm nghỉ trên giường một thời gian càng ngắn càng
tốt, đầu nghiêng bên lỗ tai không gây chóng mặt, nhắm mắt, trong phòng ít ánh sáng.
Ở tai trong, có một số hột li ti gọi là Thạch nhĩ có tác dụng giúp cho con người có cảm giác thăng bằng. Vì một lý do nào đó, các hạt này di
động sai chiều, vì vậy, cần sắp xếp chúng lại bằng bài tập sau: Ngồi, nghiêng thật nhanh về một bên, để đầu trên giường hoặc trên mặt
bàn, mũi ngó xuống đất. Người bệnh sẽ thấy trời đất quay cuồng, đợi cho qua cơn chóng mặt rồi từ từ ngồi dậy. Thực hiện như vậy về
phía bên kia. Mỗi ngày tập như vậy 3 lần, mỗi lần từ 10-20 động tác. Ngay lần đầu, tình thế có thể được cải thiện đến 80%. Khi hết, tập
thêm 2–3 ngày tiếp theo. Có thể có phản ứng phụ là hơi muốn buồn nôn.

 4. Bệnh án :

 (Trích trong sách Châm Cứu Lâm Chứng Thực Nghiệm Của Tôn Học Quyền)

Bệnh nhân Lý, nữ, 30 tuổi, công nhân, khám lầm đầu ngày 12/12/1969.
Bệnh nhân đột ngột bị chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa, điều trị bằng thuốc trong một bệnh viện, nhưng các triệu chứng không thuyên
giảm, nên yêu cầu được châm trị. Chẩn đoán là chóng mặt.
Điều trị: Châm các huyệt Thần môn, Vỏ não ở loa tai và Nội quan. Sau khi sát trùng, dùng kim nhỏ dài 0,5 thốn, châm thẳng góc trên
các huyệt sâu 0,1 – 0,2 thốn, vê kim nhanh mỗi lần 5 – 10 phút, lưu kim 10 – 20 phút.Sau 10 phút điều trị, ngừng nôn mửa, có thể mở
mắt và có thể cử động một ít, sau 30 phút bệnh nhân đã ngủ.
Ngày hôm sau, các triệu chứng đã giảm một cách rõ rệt, châm thêm lần nữa, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn và không thấy tái phát trong
10 năm.

Bệnh nhân Trang, nữ, 78 tuổi, nội trợ.
Bệnh nhân đã bị chóng mặt hơn 10 năm, mỗi năm bị 2 – 3 cơn. Các triệu chứng luôn có là chóng mặt, nôn mửa, không thể cử động đầu và
mờ mắt, những triệu chứng này kéo dài từ 5 – 6 ngày, rồi sau đó dần dần giảm đi.
Bệnh viện chẩn đoán là chóng mặt, khi thăm khám thân nhiệt, huyết áp, tim phổi bình thường, rêu lưỡi mỏng, hơi vàng, mạch Huyền.
Chẩn đoán là chóng mặt.
Điều trị: Châm Phong trì, Bách hội, Đầu duy xuyên Hàm yến và Nội quan. Vê kim 10 phút. Chóng mặt giảm và có thể mở mắt vào ngày
hôm sau. Châm như cũ sau đó các triệu chứng hết hẳn và không thấy tái phát trong 2 năm.

 

 

 

Các tin khác