Danh mục bài viết

Hỗ trợ trực tuyến

Tin tức

Liên kết web

Thống kê truy cập

  • Hôm nay:

    66
  • Ngày hôm qua:

    208
  • Tuần hiện tại:

    961
  • Tháng hiện tại:

    3851
  • Lượt truy cập:

    838122

Quảng cáo

Thuốc mới

Tiện ích

Vai trò của bác sĩ trong “quyền được chết”

Việc Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất bổ sung “quyền được chết” vào Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

LTS: Việc Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất bổ sung “quyền được chết” vào Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Năm 2005, khi xây dựng Bộ luật Dân sự, có ý kiến đề nghị những người mắc bệnh hiểm nghèo, y học bó tay có thể có quyền được “an tử”. 10 năm sau, khi xây dựng Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, lại có những ý kiến đề xuất đưa “quyền được chết” vào Bộ luật Dân sự. Để rộng đường dư luận, báo Sức khỏe&Đời sống mở diễn đàn “quyền được chết”, kính mời bạn đọc, các chuyên gia, các học giả tham gia đưa ý kiến của mình cho một đề xuất luật đầy tính nhân văn rất sát sườn người dân nhưng rất khó trong quản lý cũng như trong việc thay đổi quan niệm văn hóa này.

Bài viết đóng góp cho diễn đàn xin gửi về hòm thư: bandientuskds@gmail.com, banthukysk@gmail.com hoặc gửi theo đường bưu điện về báo Sức khỏe&Đời sống, Bộ Y tế, 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội (ghi rõ bài tham gia diễn đàn “Quyền được chết”).

Về đề xuất đưa “quyền được chết” vào Dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) đang được bàn tới có lẽ là nội dung đáng chú ý nhất của xã hội trong những ngày gần đây. Đề xuất này xoay quanh vấn đề hợp pháp hóa sự trợ giúp thúc đẩy một cái chết êm ái thay vì người bệnh phải chịu đựng những đau đớn và bất lực của thể xác lâu dài do bệnh tật gây ra.

Vai trò của bác sĩ trong “quyền được chết”
 

Đây là một vấn đề gây tranh cãi lớn bởi nó liên quan đến việc “chấm dứt sự sống” - đi ngược lại mong muốn tự nhiên của con người và đồng thời là mục tiêu số một của ngành y tế, đó là kéo dài sự sống. Hơn nữa, do tính chất: “có sự tác động thúc đẩy nhanh quá trình chết” nên điều luật này sẽ phát sinh một số vấn đề nhạy cảm khi áp dụng, làm sao không bị nhầm lẫn theo hướng “giết người có chủ đích”.

Trên thực tế, hai hành động này hoàn toàn khác nhau, từ động cơ, tính pháp lý và tính nhân đạo. Về động cơ, “giết người có chủ đích” là hành vi tước đoạt quyền được sống của người khác vốn đang không có nguy cơ mất đi mạng sống, một cách có kế hoạch và thể hiện sự độc ác của thủ phạm. Trong khi đó, ở “cái chết nhân đạo”, động cơ xuất phát từ mong muốn của bản thân người bệnh trong lúc tỉnh táo, vốn đang phải chịu quá nhiều nỗi đau thể xác và không còn hy vọng chữa khỏi.

Về tính pháp lý, một hành động mang tính tước đoạt mạng sống của người khác khi không có sự đồng ý của họ; ngược lại “cái chết nhân đạo” căn cứ vào mong muốn chủ quan của người bệnh, trong hoàn cảnh không thể làm gì tốt hơn cho họ. Về tính nhân đạo, không nghi ngờ gì khi khẳng định hành vi “giết người có chủ đích” là vô nhân đạo; trong khi đó tính nhân đạo của quyền được chết đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Ở nhiều tôn giáo khác nhau, người ta nghiêm cấm hành vi thúc đẩy nhanh cái chết dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, chỉ có thể đứng ở vị trí người bệnh đang phải chịu đựng những nỗi đau hành hạ kéo dài của bệnh tật thì mới thấm thía giá trị của sự ra đi trong êm ái. Đó là tính nhân đạo của điều luật này.

Mặc dù vậy, đối với các bác sĩ (BS) thì hành động này khó có thể chấp nhận được, bởi họ được đào tạo để cứu người, chống lại tử thần chứ không phải thúc đẩy nó đến nhanh hơn. Thực tế lâm sàng, có những khi người nhà bệnh nhân đã đầu hàng, nhiều BS điều trị vẫn cố gắng thuyết phục họ để cho người bệnh một cơ hội nhỏ nhoi được sống. Nếu như người nhà bệnh nhân vẫn kiên quyết xin về, lúc ấy BS cũng miễn cưỡng dừng điều trị. Nhưng đó đa phần là các trường hợp cấp cứu và người bệnh trong trạng thái hôn mê, không tự quyết định được số phận của mình. Trong trường hợp người bệnh còn tỉnh thì chưa có tiền lệ nghe thấy một lời đề nghị trực tiếp từ họ về quyết định thời điểm và cách thức ra đi.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là: Nếu như xảy ra một tình huống như thế, từ trước tới nay các BS sẽ có thái độ như thế nào? Họ đã làm gì? Nếu như thành luật định thì họ sẽ làm gì?

Một điểm chắc chắn là sẽ không có bất kỳ BS nào đồng ý đứng ra thực hiện “cái chết nhân đạo” cho người bệnh, bởi nó đi ngược lại tôn chỉ nghề nghiệp. Từ trước tới nay, hầu hết BS đều động viên bệnh nhân theo hướng: còn nước còn tát, hoặc chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chính vì vậy, các BS điều trị nên đứng ngoài trong quá trình tư vấn và quyết định của bệnh nhân có liên quan đến việc lựa chọn cái chết nhân đạo. Vậy quá trình này có thể diễn ra như thế nào?

Trước hết là sự khởi phát, nó có thể bắt nguồn từ việc người bệnh đã phải trải qua đau đớn kéo dài của ung thư giai đoạn cuối hoặc một căn bệnh mạn tính khiến cho nỗi đau lặp lại quá nhiều lần trong một ngày mặc dù đã được duy trì liều giảm đau tối đa. Như vậy sự khởi phát này phải được định nghĩa rõ về các thông số: 1. Thời gian của nỗi đau này đã kéo dài bao lâu và tối thiểu là bao lâu mới được chấp thuận đề xuất “cái chết êm ái”; 2. Nỗi đau đớn như thế nào được gọi là nỗi đau không thể chịu đựng được thêm nữa: tần suất xuất hiện trong một ngày bao nhiêu lần, liều và loại thuốc giảm đau sử dụng như thế nào gọi là đạt liều tối đa. Vấn đề này khá nhạy cảm vì nó phụ thuộc vào chủ quan của người bệnh. Một lỗ hổng hiện tại trong điều trị chăm sóc giảm nhẹ ở ta là không có chỉ định điều trị tâm lý, trong khi những người bệnh phải chịu đau đớn kéo dài thường bị khủng hoảng tâm lý, đặc biệt là những người bị ung thư. Tâm lý chán nản có thể khiến cho bệnh trở nên nặng nề nhanh hơn, tăng nhạy cảm của cơ thể đối với đau và các triệu chứng khác. Mặt khác, do bi quan nên nếu như luật này ra đời, dễ dẫn đến việc chính bản thân người bệnh tự nghĩ ra các cơn đau dày đặc để mong được chấp thuận đề xuất “cái chết êm ái”. Tất cả các hệ lụy về tâm lý cần phải được suy tính kỹ và bắt buộc phải đưa vào lộ trình điều trị cho những người bệnh này. Hơn nữa, nếu như được tư vấn tâm lý, người bệnh sẽ đưa ra quyết định về lựa chọn “cái chết nhân đạo” trong điều kiện tốt nhất về tinh thần.

Sự khởi phát sau đó phải được ghi nhận bởi BS điều trị và bộ phận hành chính của cơ sở y tế. Bộ phận này sau đó sẽ mời một Hội đồng giám định khả năng sống đối với người bệnh, độc lập với các BS điều trị và thậm chí độc lập với cơ sở y tế đó. Trải qua một quá trình thẩm định hồ sơ bệnh án và khám lâm sàng, sau khi hội chẩn, Hội đồng giám định khả năng sống sẽ đưa ra kết luận người bệnh này còn hi vọng sống hay không. Điểm pháp lý quan trọng là hội đồng này phải có chuyên môn sâu về các chuyên ngành liên quan đến điều trị chăm sóc giảm nhẹ, cũng như chức năng sống còn. Ít nhất phải có các chuyên khoa như: ung thư, tim mạch, hô hấp, chăm sóc giảm nhẹ.

Kết luận của Hội đồng giám định khả năng sống sẽ được gửi lại cho người bệnh và người nhà, luật sư của người bệnh nếu có, cho cơ sở y tế và BS điều trị, cho bộ phận pháp lý của Bộ Y tế phụ trách vấn đề “quyền được chết” để lưu lại và cho đơn vị thực hiện “quyền được chết”. Các BS điều trị chắc chắn chỉ có vai trò dừng việc điều trị lại và không tham gia quá trình thực hiện sau đó. Đơn vị thực hiện “quyền được chết” này cần phải được xác lập tại Bộ Công an, được đào tạo nghiệp vụ về y tế để phục vụ cho các nhiệm vụ tương tự. Đơn vị này sau khi nhận được đề xuất sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý chậm nhất trong vòng 1 tuần (ví dụ như vậy) để thu thập đầy đủ xác nhận của các bên liên quan, đồng thời cùng với người bệnh lựa chọn thời điểm và cách thức ra đi.

Tóm lại, trong “quyền được chết”, BS vẫn phải thực hiện sứ mệnh cứu người và kéo dài sự sống của mình. Nếu như quyết định được đưa ra, BS cần tôn trọng quyết định đó và dừng điều trị. Lời thề của một BS không cho phép mình tiến hành “cái chết êm ái” đối với bất kỳ ai. Cần phải có một đơn vị đảm bảo về mặt pháp lý chủ quản bởi Bộ Công an đứng ra tiến hành. Một quy trình chặt chẽ nhất phải được đảm bảo bởi liệu pháp tâm lý dành cho người bệnh đi cùng với các điều trị về thuốc. Với tất cả các điều kiện như trên, chắc chắn sẽ giữ được tính nhân đạo của đề xuất nhân văn này.

BS. Thanh Huyền

Các tin cũ hơn