Danh mục bài viết

Hỗ trợ trực tuyến

Tin tức

Liên kết web

Thống kê truy cập

  • Hôm nay:

    148
  • Ngày hôm qua:

    446
  • Tuần hiện tại:

    1858
  • Tháng hiện tại:

    5817
  • Lượt truy cập:

    840088

Quảng cáo

Thuốc mới

Tiện ích

Viêm teo niêm mạc dạ dày: Âm thầm nhưng nguy hiểm

 Viêm teo niêm mạc dạ dày (VTNMDD) là biểu hiện giai đoạn cuối của các bệnh lý như viêm dạ dày mạn tính do nhiễm vi khuẩn H. pylori...

Viêm teo niêm mạc dạ dày (VTNMDD) là biểu hiện giai đoạn cuối của các bệnh lý như viêm dạ dày mạn tính do nhiễm vi khuẩn H. pylori, các yếu tố ngoại sinh khác và bệnh lý tự miễn dịch chống lại các tế bào tuyến của dạ dày, đặc biệt là tế bào thành và yếu tố nội. VTNMDD do vi khuẩn H. pylori thường không có triệu chứng, phát triển chậm, nhưng viêm teo đa ổ thường được phát hiện ở những người trên 50 tuổi.

Diễn biến âm thầm

Nguyên nhân mắc bệnh thường do nhiễm vi khuẩn H. pylori cư trú và lây nhiễm ở dạ dày. Ổ vi khuẩn nằm ở bên trong lớp nhầy của dạ dày cùng biểu mô bề mặt dạ dày và hiếm khi có mặt trong các tuyến sâu hơn. Nhiễm khuẩn này thường mắc phải trong thời thơ ấu và phát triển suốt cuộc đời của bệnh nhân nếu không được chữa trị. Tổn thương đáng kể gắn liền với việc giải phóng vi khuẩn và các chất độc gây viêm dẫn đến tổn thương các tế bào biểu mô dạ dày dẫn đến mất tế bào tăng dần hoặc teo dạ dày theo thời gian. Quá trình viêm dạ dày mạn tính do H.Pylori tiến triển với 2 dạng lâm sàng là viêm dạ dày chủ yếu hang vị và viêm dạ dày teo đa ổ. Điều lưu ý, bệnh nhân ung thư biểu mô dạ dày và loét dạ dày thường mắc phải dạng viêm dạ dày teo đa ổ hay gặp ở các nước đang phát triển ở châu Á.

Nội soi dạ dày giúp phát hiện bệnh chính xác.    Ảnh: Trần Minh

Đối với viêm teo niêm mạc dạ dày do tự miễn - thiếu hụt chất cobalamin (vitamin B12). Bệnh có khởi đầu âm thầm và tiến triển chậm chạp. Thiếu hụt cobalamin tác động chủ yếu đến hệ huyết học, tiêu hóa và thần kinh. Gây ra thiếu máu hồng cầu khổng lồ, xuất huyết giảm tiểu cầu...

Dễ chẩn đoán nhầm

Biểu hiện VTNMDD là biểu hiện của giai đoạn cuối của viêm dạ dày mạn tính do nhiễm H. pylori và tự miễn dịch. Nhiễm H. pylori cấp tính thường khó phát hiện trên lâm sàng, tuy vậy có thể có các triệu chứng không đặc hiệu như: đau bụng vùng thượng vị, nôn, buồn nôn, cảm giác ậm ạch, đôi khi có sốt. Các triệu chứng do viêm dạ dày mạn do nhiễm H. pylori thường ít biểu hiện, có thể gặp đau bụng, chán ăn, buồn nôn và nôn. Nặng hơn có thể gặp các triệu chứng do biến chứng của VTNMDD do nhiễm H. pylori mạn tính như loét và ung thư dạ dày. Điều này khiến bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm là viêm loét dạ dày bởi các triệu chứng tương tự. Nhưng cần chú ý là viêm loét dạ dày sẽ gây đau bụng, ợ chua, chua miệng nhiều hơn bệnh teo niêm mạc dạ dày. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân teo niêm mạc dạ dày có kèm theo viêm dạ dày và việc đánh giá nội soi dạ dày theo phương pháp cũ sẽ khó phát hiện được teo niêm mạc dạ dày mức độ nhẹ và vừa.

Đối với trường hợp bệnh nhân viêm teo niêm mạc dạ dày do tự miễn có thể có các triệu chứng như: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, hồi hộp, đau ngực, viêm lưỡi miệng, chán ăn, tiêu chảy dẫn tới sụt cân, dễ cáu kỉnh,... nên cũng dễ chẩn đoán nhầm nhất là bệnh nhân ở độ tuổi trên 60.

Chẩn đoán nguyên nhân để điều trị

Khi bệnh nhân có những triệu chứng nghi ngờ cần được chỉ định soi dạ dày và làm xét nghiệm mô bệnh học. Và tùy từng trường hợp bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm chuyên biệt như: nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ; xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể kháng H. pylori; xét nghiệm kháng thể kháng tế bào thành và yếu tố nội, định lượng cobalamin, gastrin trong máu... từ đó mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân sau khi điều trị cần theo dõi sau điều trị và biện pháp phòng ngừa. Cần xác định vi khuẩn H. pylori đã được điều trị triệt để hay chưa ít nhất là 4 tuần sau kết thúc điều trị. Điều lưu ý, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, phải kiên trì với sự phối hợp giữa thuốc và cách ăn uống sinh hoạt cũng như kiêng cữ. Nếu chẩn đoán và điều trị đúng, triệu chứng sẽ cải thiện trong vòng 1-3 tháng, nhưng để tình trạng teo niêm mạc dạ dày hồi phục thì cần ít nhất một năm và sự hồi phục teo niêm mạc dạ dày chỉ một phần chứ không phải 100%.

Ngoài ra, viêm teo niêm mạc dạ dày do nhiễm H. pylori sẽ có nguy cơ cao dẫn tới loét và ung thư dạ dày. Với nguy cơ này là bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ, polyp và ung thư dạ dày. Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ, không những trên lâm sàng mà đặc biệt là các dấu hiệu qua hình ảnh nội soi dạ dày và xét nghiệm mô bệnh học. Do vậy mọi người cần lưu ý các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm. Sau khi điều trị xong bệnh nhân cần phải chú ý trong chế độ ăn uống, sinh hoạt để tránh bị bệnh tái phát.

 

Đối với bệnh nhân bị viêm teo niêm mạc dạ dày cần lưu ý chế độ ăn khoa học như: ăn uống sinh hoạt điều độ, đúng giờ giấc; chia nhỏ bữa ăn trong ngày có thể 4-5 lần/ngày. Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, hạn chế đồ nhiều mỡ, đồ chiên rán, đồ ăn nhanh. Không sử dụng các chất kích thích như trà đặc, rượu bia, các loại nước giải khát có ga, các gia vị cay nóng ảnh hưởng tới dạ dày. Với bệnh teo niêm mạc dạ dày thì không cần kiêng chua mà còn phải chú ý bổ sung vitamin C trong chế độ ăn, nhưng ăn từng ít một vì người bị teo niêm mạc dạ dày rất nhạy cảm với đồ chua, có thể bị đau bụng khi ăn chua nhiều. Bệnh nhân không tự ý dùng các thuốc vì có thể làm bệnh teo niêm mạc dạ dày nặng hơn và khó hồi phục.

Bs. Lê Quang

Các tin cũ hơn